Sáng
14/6/2025, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị trực
tuyến toàn quốc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác tổ chức
xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, tổ chức và hoạt động của MTTQ, đoàn thể chính
trị ở cấp xã (mới). Hội nghị diễn ra trong hai ngày 14 và 15/6, theo hình thức
trực tiếp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trực tuyến tới gần 11
ngàn điểm cầu trên toàn quốc, với trên 1,5 triệu đại biểu tham dự.
Tại
điểm cầu Tỉnh ủy Đồng Nai, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ
trì hội nghị. Tham dự còn có các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy
viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh… Tại điểm
cầu các sở, ban, ngành có lãnh đạo và các công chức các sở, ban, ngành tham dự.
Phát
biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Hội nghị nhằm thực hiện có hiệu
quả Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một
số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh
gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cụ thể hóa Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày
12/4/2025 của Hội nghị lần thứ XI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các
kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh,
không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền
địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được
Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc; thực hiện nhiệm vụ sắp xếp
bộ máy và đơn vị hành chính cấp xã mới bảo đảm tiến độ, yêu cầu theo các Thông
báo Kết luận số 155-KL/TW ngày 17/5/2025, Thông báo Kết luận số 160-KL/TW ngày
31/5/2025 và Thông báo Kết luận số 163-KL/TW ngày 6/6/2025 của Bộ Chính trị, Ban
Bí thư Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên
Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng
Lý luận Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Hội
nghị tập huấn này dành cho cán bộ cấp ủy các cấp, các tổ chức đảng và cán bộ,
công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp xã (mới sau sắp
xếp) về các nội dung chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác tổ chức xây dựng
Đảng, quản lý nhà nước, tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể
chính trị cấp xã (mới) để nắm vững chủ trương, các quy định, hướng dẫn trong tổ
chức thực hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá
trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng thời để cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ
quốc, các đoàn thể chính trị ở cấp xã (mới) đồng bộ, đồng loạt đi vào hoạt động,
vận hành thông suốt, đảm bảo chất lượng, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như kết
luận 167-KL/TW ngày 13/6/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Trong
2 ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu nghe các báo cáo viên là lãnh đạo các bộ,
ban, ngành báo cáo các chuyên đề theo các lĩnh vực liên quan về công tác tổ chức
xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị: Công
tác tổ chức xây dựng Đảng, tổ chức cơ sở đảng, bộ máy và hoạt động cấp ủy cấp
xã (mới); Những điểm mới trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và chức
năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức ủy ban kiểm tra cấp xã (mới); Tổ chức và hoạt động
của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị ở cấp xã (mới); Báo cáo tổng
quan về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương 2 cấp; những
vấn đề chung về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền cho chính quyền địa
phương 2 cấp; Báo cáo các nội dung cơ bản về thực hiện phân cấp, phân quyền,
phân định thẩm quyền về các lĩnh vực khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp:
tư pháp, nội vụ, y tế, công thương, khoa học công nghệ, xây dựng,…; Hướng dẫn sử
dụng AI khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, phân cấp, phân quyền và
phân định thẩm quyền;
Điểm cầu tại Ban Quản lý
Phát
biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng
Chính phủ cho biết, những tháng gần đây, cả nước đang thực hiện nhiều công việc,
các quyết sách mang tính chất lịch sử, và với “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín
quốc tế như hiện nay”, Việt Nam đang được thế giới quan tâm, đánh giá cao. Qua
đó, chứng minh tính đúng đắn để kiên định thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
tại Hội nghị
Thủ
tướng cho rằng, bài học cho sự thành công là nhờ sự đoàn kết, thống nhất, kết hợp
sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh từ nhân dân, dưới sự lãnh đạo
đúng đắn của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đã hình thành
cơ bản lý luận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, dựa trên
3 trụ cột: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, đảm bảo công bằng,
tiến bộ, xã hội và an sinh xã hội. Phát huy, khai thác hiệu quả các nguồn lực nội
sinh của dân tộc gồm con người, lịch sử văn hóa và tài nguyên thiên nhiên;
tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài gồm vốn, kinh nghiệm quản lý, khoa học, công
nghệ… cho phát triển đất nước.
Nêu
bật các thành tựu phát triển đất nước, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta
đã giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao đời sống vật chất
tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước chưa hài lòng với kết quả đó
và thực hiện các đột phá, chiến lược đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.
Trong đó, thực hiện cuộc “cách mạng” về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
nhằm đáp ứng quy luật khách quan, làm mới các động lực phát triển, tăng trưởng
truyền thống, thúc đẩy các động lực phát triển, tăng trưởng mới. Xây dựng, ban
hành, triển khai thực hiện 4 nghị quyết “bộ tứ trụ cột” gồm: Đột phá về phát
triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hội nhập quốc tế
trong tình hình mới; đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; phát triển
kinh tế tư nhân. Hiện nay, đang xây dựng và sẽ tiến hành chiến lược mới về phát
triển giáo dục, đào tạo, y tế.
“Thành
quả và các nhiệm vụ trên khẳng định chúng ta đã và đang kế thừa, phát huy, vận
dụng sáng tạo tầm nhìn và hành động Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Thủ tướng
nhấn mạnh.
Thủ
tướng Phạm Minh Chính cho rằng, khi thực hiện cuộc “cách mạng” thì có cả thuận
lợi và khó khăn. Do đó, phải thay đổi tư duy, hành động, thói quen, nếp nghĩ,
cách làm để chuyển đổi trạng thái từ thụ động tiếp nhận giải quyết các yêu cầu
sang kiến tạo, chủ động giải quyết các yêu cầu của nhân dân; thực hiện phân cấp,
phân quyền cho cơ sở, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi,
tăng cường giám sát kiểm tra; cán bộ phải gần dân để nắm bắt tình hình, tâm tư,
nguyện vọng và giải quyết yêu cầu của nhân dân.
Thủ
tướng Chính phủ nhắc lại, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức chính quyền địa
phương 2 cấp là việc khó, do đó phải đoàn kết, thống nhất, thực hiện đồng bộ, đồng
loạt, đồng thời, toàn diện, tổng thể, trên tinh thần cùng làm, cùng chiến thắng,
cùng phát triển.
“Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội
đồng tình, nhân dân ủng hộ thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Thủ tướng Chính phủ
yêu cầu triển khai thực hiện tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị ở cấp xã phải bám sát chính
sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và tiếp thu, lắng nghe ý kiến đóng góp của
nhân dân. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc tiếp tục tháo gỡ,
trên tinh thần vướng ở đâu tháo ở đó, mắc ở đâu gỡ ở đó.
Đặt
mục tiêu đến ngày 30/6 hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các đoàn thể chính trị ở cấp xã trong toàn quốc đi vào hoạt động đồng bộ,
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan truyền thông,
báo chí tiếp tục tập trung tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách, nâng
cao sự hiểu biết, nhận thức và hành động trong toàn xã hội về sắp xếp đơn vị
hành chính địa phương; đồng thời truyền cảm hứng, tạo động lực để hoàn thành mục
tiêu đề ra.
Phải
có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đã làm phải thành công, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo,
táo bạo hơn nữa để thành công, thành công, dứt khoát thành công” trong cuộc
“cách mạng” về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chính quyền địa phương
2 cấp, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính
trị, phát triển kinh tế, xã hội, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc
cho nhân dân.
Nguyễn
Ánh Tuyết