Thứ 6 - 26/02/2016
Nhiệt liệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất Nước (30/4/1975-30/4/2025)
Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025)
Kỷ niệm 80 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025)
Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025)
Triển khai Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2025

Sáng 27/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Đây được đánh giá là bước đột phá trong việc thể chế hóa các nghị quyết quan trọng của Đảng, nhất là Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 66 về phát triển kinh tế tri thức và Nghị quyết 68 về đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Luật có hiệu lực từ ngày 1/10/2025, góp phần thúc đẩy các hoạt động, như: Hình thành sàn giao dịch công nghệ, thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tháo gỡ rào cản hành chính, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Luật xác lập các chính sách lớn nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cả nước, trong đó tập trung vào phát triển hạ tầng, khuyến khích mạo hiểm, khoán chi linh hoạt và miễn trừ trách nhiệm khi chấp nhận rủi ro.

Một số điểm đáng chú ý của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo:

Đầu tư hạ tầng, phát triển các trung tâm nghiên cứu trình độ cao

Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; phát triển kết nối hạ tầng giữa viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp.

Luật cũng quy định việc đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; từng bước hình thành các trung tâm nghiên cứu trình độ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, bảo đảm phối hợp hiệu quả với mạng lưới viện nghiên cứu chuyên ngành.

Bên cạnh đó, luật yêu cầu tăng cường hỗ trợ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, làm chủ và sáng tạo công nghệ. Hoạt động khoa học và công nghệ sẽ được ưu tiên phát triển tại vùng sâu, miền núi, hải đảo và các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thông qua đầu tư hạ tầng, phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ.

Miễn trách nhiệm dân sự, hành chính, thậm chí hình sự khi rủi ro khách quan

Một trong những nội dung mới của Luật là quy định rõ về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định và không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hay sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí thì được miễn trách nhiệm hành chính, dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước. Đồng thời, họ cũng không phải hoàn trả kinh phí nếu kết quả không đạt được mục tiêu đề ra, với điều kiện đã tuân thủ đúng quy định quản lý nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu, biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Tương tự, người phê duyệt và quản lý nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước cũng được loại trừ trách nhiệm nếu không vi phạm pháp luật và đã làm đúng quy trình.

Đặc biệt, Luật quy định loại trừ trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự với những rủi ro xảy ra trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Chính phủ sẽ quy định chi tiết điều này, bao gồm tiêu chí xác định rủi ro được chấp nhận và quy trình đánh giá việc tuân thủ quy trình, quy định pháp luật.

Khuyến khích nghiên cứu mạo hiểm, đầu tư vào công nghệ đột phá

Luật quy định rõ định hướng chiến lược: hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải gắn với phát triển kinh tế xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường. Doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, xây dựng thể chế, thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng khoa học công nghệ hiện đại. Các lĩnh vực có tiềm năng tạo đột phá, công nghệ chiến lược sẽ được ưu tiên nguồn lực. Đặc biệt, Luật lần đầu tiên quy định chính sách khuyến khích nghiên cứu mạo hiểm thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chính sách chia sẻ rủi ro, đầu tư mạo hiểm và các cơ chế tài chính đặc thù khác.

Cùng với đó, Nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; đồng thời phát triển, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quốc gia.

Khoán chi linh hoạt trong hoạt động nghiên cứu khoa học

Luật cho phép nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần theo nội dung nghiên cứu. Trường hợp khoán đến sản phẩm cuối cùng, tổ chức chủ trì được tự chủ sử dụng kinh phí, quyết định điều chỉnh giữa các khoản mục chi và quyết toán tổng số kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

Trường hợp khoán chi từng phần, tổ chức chủ trì cũng được tự chủ sử dụng kinh phí, trừ một số khoản như mua sắm tài sản, thuê dịch vụ không có định mức hoặc công tác nước ngoài.

Ngoài ra, tổ chức chủ trì được phép sử dụng kinh phí để thuê chuyên gia trong nước và quốc tế theo thỏa thuận, chịu trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, lưu trữ chứng từ và giải trình khi cần thiết.

Lần đầu tiên Luật xác lập "đổi mới sáng tạo" là một cấu phần cốt lõi, đặt ngang hàng với khoa học và công nghệ. Đổi mới sáng tạo không chỉ là hoạt động của nhà khoa học mà là nỗ lực toàn xã hội, gắn liền với khởi nghiệp sáng tạo, cải tiến mô hình kinh doanh, sản phẩm và quy trình, nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế xã hội. Nếu khoa học và công nghệ là nền tảng thì đổi mới sáng tạo chính là động lực lan tỏa mạnh mẽ, với tiềm năng đóng góp tới 3/4 tỷ trọng trong tổng mức đóng góp 4% của lĩnh vực này vào tăng trưởng GDP.

Luật định hình cách tiếp cận hoàn toàn mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo toàn xã hội, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích mạnh mẽ thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo không chỉ là văn bản pháp lý, mà là một tuyên ngôn cho phát triển bằng tri thức. Với tinh thần kiến tạo, Luật mở ra không gian thể chế mới, thúc đẩy sáng tạo toàn xã hội, khuyến khích thương mại hóa nghiên cứu, phân quyền hiệu quả và gắn kết nghiên cứu với thị trường.

Nguyễn Ánh Tuyết


Đang cập nhật bài hát.

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Ban Quản lý Khu công nghệ cao Công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai​

Chịu trách nhiệm chính: ông Phạm Việt Phương - Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai . 
Địa chỉ Văn phòng đại diện: Số 288/4 đường 30/4, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

​Trụ sở chính: xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai
ĐT: 0251.650.9666 - Email: