Ngày
24/6/2025, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ
9 thông qua Luật Cán bộ, công chức 2025.
Luật
mới gồm 7 Chương, 45 Điều và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025, thể hiện tư duy
đổi mới, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý công chức theo hướng
năng động, minh bạch, hiệu quả.
Luật bổ sung, hoàn thiện
các quy định để chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc
làm, lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí
việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng,
đánh giá, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Nội
dung đáng chú ý nữa là việc hoàn thiện
cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài
năng trong hoạt động công vụ để thể chế hóa các Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày
22/12/2024, số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 và số 68- NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ
Chính trị.
Theo
đó, quy định chính sách đối với 2 nhóm đối tượng, gồm nhóm đối tượng thu hút
vào khu vực công áp dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao và nhóm đối tượng
là người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Ba
hình thức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài khu vực công, gồm: tiếp
nhận vào công chức; ký hợp đồng đối với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, luật
gia, luật sư giỏi, chuyên gia, nhà khoa học thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ
của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và ký hợp đồng đối với nhân lực chất lượng
cao để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên
cạnh đó, Luật quy định về nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức để thể chế hóa
các Nghị quyết đột phá được khẳng định là “Bộ tứ trụ cột” phát triển của đất nước,
trong đó bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc cắt giảm
thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Đồng
thời, chỉnh lý các quy định về nguyên tắc, điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
và phương thức, thẩm quyền tuyển dụng để đổi mới công tác tuyển dụng công chức
theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm,
sau khi trúng tuyển được xếp ở ngạch công chức tương ứng; đơn giản hóa thủ tục
hành chính.
Ngoài
ra, Luật bổ sung, chỉnh lý các quy định về vị trí việc làm, xếp ngạch công chức
để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực tư, khuyến khích công chức
phát triển theo con đường chuyên môn, nghiệp vụ mà không nhất thiết phải bổ nhiệm
chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý.
Cùng
với đó, làm rõ nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, phương thức đánh giá, xếp loại
chất lượng công chức trên cơ sở theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa
chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng
của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm; sử dụng kết quả đánh giá để thực hiện
khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng hoặc xem xét bố trí vào vị
trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc để sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ ra khỏi bộ máy…
Cán bộ, công chức được giao quyền
tương xứng với nhiệm vụ được giao
Luật
quy định, cán bộ, công chức được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ được giao;
được bảo đảm trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại để thi hành công vụ và
các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền.
Được
bố trí hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật và của cấp có
thẩm quyền; được cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn
được giao.
Được
tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; được pháp luật bảo vệ khi thi
hành công vụ.
Cán
bộ, công chức làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
hoặc trong các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp
và chính sách ưu đãi theo quy định…
Cán bộ, công chức không được né
tránh, đùn đẩy trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao
Luật
cũng quy định, cán bộ, công chức không được trốn tránh, thoái thác, né tránh,
đùn đẩy trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất
đoàn kết; tự ý nghỉ việc, bỏ việc; tham gia đình công; đăng tải, phát tán, phát
ngôn thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của đất nước, địa
phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
Có
hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, nhũng nhiễu và các
hành vi khác vi phạm pháp luật đối với người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức,
cá nhân khác có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Có
hành vi phân biệt đối xử dân tộc, giới tính, độ tuổi, khuyết tật, tôn giáo, tín
ngưỡng, thành phần xã hội dưới mọi hình thức trong thi hành công vụ…
Luật này có hiệu lực thi hành từ
ngày 1/7/2025 (trừ trường hợp quy định về đánh giá
công chức tại Mục 3 Chương IV của Luật được thực hiện từ ngày 1/1/2026). Luật
Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật
số 52/2019/QH14 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực.
Nguyễn Ánh Tuyết