Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được
xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của quốc
gia thông qua việc ban hành các đạo luật cơ bản nhằm tạo hành lang pháp lý bảo
đảm mọi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh
theo pháp luật. Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích, tạo điều kiện để doanh
nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát
triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện
các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp bởi những
rủi ro pháp lý vẫn luôn tồn tại khi doanh nghiệp tham gia thị trường. Chương
trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có ý nghĩa
vô cùng quan trọng trong việc định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành
pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp
lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài.
Trước tình hình đó, ngày 24/6/2019, Chính phủ
đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ
và vừa. Theo đó, việc hỗ trợ pháp lý cho DNNVV phải có trọng tâm, có thời hạn,
phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; Bảo đảm công khai,
minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lặp. Hoạt động hỗ trợ DNNVV được
thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của
DNNVV; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho DNNVV và các cơ
quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Tiếp theo, ngày 05/4/2023 Thủ tướng Chính phủ
ban hành Quyết định số 345/QĐ-TTg của về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hỗ trợ
pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó tập trung vào các
nhiệm vụ, giải pháp liên quan để: (i) Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục
các vướng mắc, bất cập; (ii) Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý
cho doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phố hợp liên ngành; huy động các nguồn lực
xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hỗ
trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (iii) Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng
tâm, trọng điểm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến mạnh
trong chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; góp phần
nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp
lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhằm đảm bảo cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải
pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số
55/2019/NĐ-CP; đồng thời căn cứ Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 13/6/2023 của UBND
tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của
Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Nâng
cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn
2021-2030”, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học (Ban Quản lý) đã
xây dựng và ban hành Kế hoạch số 21/KH-BQLKCNCCNSH ngày 06/7/2023 về việc tổ chức
triển khai thực hiện Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 13/6/2023 của UBND tỉnh.
Nhìn chung, từ năm 2019 đến nay công tác hỗ
trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tại Khu Công nghệ cao công
nghệ sinh học (Khu CNC CNSH) của Ban Quản lý trong thời gian qua đã được nhiều
kết quả tích cực, cụ thể như sau:
Về hoạt động hỗ
trợ, cung cấp thông tin pháp lý
- Công tác thông tin, tuyên truyền các văn bản
quy phạm pháp luật và chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ban hành được thực hiện nghiêm túc thông qua các hình thức: triển khai bằng
văn bản; thông tin trao đổi trực tiếp khi doanh nghiệp có nhu cầu và thông qua
trang thông tin điện tử của Ban Quản lý.
- Bên cạnh đó, nhằm cải thiện môi trường đầu
tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án đầu tư,
công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được chú trọng thông qua các hoạt động
sau:
+ Định kỳ rà soát, đánh giá các thủ tục hành
chính (TTHC) để đơn giản hóa TTHC liên quan đến lĩnh vực quản lý của cơ quan;
thực hiện việc quán triệt, chỉ đạo thực hiện các văn bản của Trung ương có liên
quan đến kiểm soát thủ tục hành chính như: Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày
23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế 01 cửa, 01 cửa liên thông trong giải
quyết TTHC; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về
phê duyệt phương án đổi mới việc thực hiện cơ chế 01 cửa, 01 cửa liên thông
trong giải quyết thủ tục hành chính.
+ Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Chủ tịch UBND
tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC) và quy trình nội bộ, quy trình
điện tử giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ (Quyết định
số 685/QĐ-UBND ngày 22/3/2024); Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh
công bố danh mục TTHC và quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC
thuộc lĩnh vực đầu tư (Quyết định số 866/QĐ-UBND ngày 02/4/2024); Phối hợp rà soát, đề xuất danh mục thủ tục hành chính triển
khai số hóa theo quy định của Thông tư số 01/2023/TT-VPCP.
+ Công khai đầy đủ, kịp thời các quy định về
TTHC; duy trì và thường xuyên cập nhật các thông tin về cải cách TTHC và các
văn bản quy phạm pháp luật có liên quan lên trang thông tin điện tử của Ban Quản
lý.
+ Tăng cường tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến
nghị của cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động
trong Khu CNC CNSH.
Về hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các
vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp.
- Từ năm 2019 đến nay, Ban Quản lý đã chủ trì 07
buổi làm việc, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, trong đó: 05 buổi làm việc
chuyên đề (hướng dẫn thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư) với 05 doanh nghiệp
(được cấp phép đầu tư trước thời điểm Khu CNC CNSH được thành lập); 02 buổi làm
việc với toàn thể các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Khu CNC CNSH nhằm triển
khai các chủ trương, định hướng phát triển của Khu CNC CNSH và kịp thời nắm bắt,
ghi nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Các đề
xuất, kiến nghị của doanh nghiệp đã được Ban Quản lý tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh
xem xét, chỉ đạo.
Ban Quản lý tổ chức họp đối thoại với các
doanh nghiệp hoạt động trong Khu CNC CNSH về Giám sát, đánh giá dự án đầu tư sử
dụng nguồn vốn khác trong Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai
- Hiện tại,
thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số
222/TB-UBND ngày 22/4/2024, Ban Quản lý đã phối hợp các sở ngành lấy ý kiến và
tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại với doanh nghiệp đầu tư
nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc còn tồn đọng. Thời gian dự kiến tổ chức
đối thoại trong tháng 6/2024.
- Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại
Văn bản số 4365/UBND-KTNS ngày 22/4/2024 về việc kiểm tra, rà soát đối với các
dự án của các doanh nghiệp đang thực hiện đầu từ tại Khu CNC CNSH; Ban Quản lý
đã có văn bản gửi các sở ngành có liên quan phối hợp tham gia Đoàn kiểm tra
liên ngành đối với các dự án đầu tư trong Khu CNC CNSH và tham mưu UBND tỉnh
xây dựng Kế hoạch tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành đối với các dự án đầu tư
trong Khu CNC CNSH để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý
các vấn đề khó khăn vướng mắc còn tồn đọng liên quan đến các dự án phù hợp với
tình hình thực tế.
Công tác rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định
của pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp.
- Định kỳ
hàng năm, Ban Quản lý ban hành kế hoạch thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chỉ
đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tư pháp; đồng thời phối hợp báo cáo kết
quả triển khai theo đúng quy định.
- Trên cơ sở kết luận và ý kiến chỉ đạo xử lý của
UBND tỉnh đối với các tồn tại liên quan đến pháp lý của các dự án đầu tư công
trong Khu CNC CNSH, Ban Quản lý hiện tập trung triển khai các nội dung:
+ Tham
mưu điều chỉnh quy hoạch cục bộ Khu CNC CNSH Đồng Nai.
+ Tham
mưu xây dựng bảng giá đất làm cơ sở xác định giá thuê đất trong Khu CNC CNSH Đồng
Nai.
+ Tham
mưu xây bảng giá phí sử dụng kết cấu hạ tầng đối với các nhà đầu tư trong Khu
CNC CNSH Đồng Nai.
+ Tham mưu ban hành tiêu chí đánh giá, xét chọn các dự án đầu
tư vào Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai.
Thời gian qua tuy hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
- Thứ nhất, hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật
liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tại Khu CNC CNSH thuộc nhiều
lĩnh vực khác nhau, phức tạp, thiếu tính ổn định; một số văn bản quy phạm pháp
luật về công nghệ cao hiện đã không còn phù hợp và không theo kịp thực tiễn
phát triển của các khu công nghệ cao nói chung và mô hình Khu CNC CNSH tại Đồng
Nai nói riêng. Cụ thể như: Luật Công nghệ cao 2008 được ban hành đến nay chưa
có văn bản hướng dẫn cụ thể về đầu tư, phát triển và quản lý đối với mô hình
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Bộ Khoa
học và Công nghệ chưa có hướng dẫn một số tiêu chí dự án đầu tư vào khu công
nghệ cao được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 29; khoản 2 Điều 31 và điểm d
khoản 1 Điều 32 Nghị định số 10/2024/NĐ-CP … Bên cạnh đó, việc chuyển đổi nguyên trạng
từ Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ
sang mô hình Khu CNC CNSH, nhưng không có quy định cụ thể về điều kiện chuyển
tiếp đã dẫn đến nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư. Chính
điều này khiến cho doanh nghiệp cũng như đội ngũ công chức làm công tác hỗ trợ
pháp lý cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận, nắm bắt kịp thời, đầy
đủ các quy định.
- Thứ
hai, công chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không được bố
trí chuyên trách, còn thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm thực tế, hiệu quả
công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao.
Lê Thị Nga - Phòng ĐT&QLDN