Đồng
Nai là địa phương có nhiều thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, trong đó tiềm
năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng rất lớn. Hiện tỉnh đang thực hiện chủ
trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường
tiêu thụ.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị
trường và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã xác định vai
trò quan trọng của việc phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nghị quyết Đại hội Đại
biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: "Phát triển
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công
nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm" là 1 trong 4 nhiệm vụ đột
phá. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 28/9/2023 về phê duyệt
“Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai
đoạn 2021-2030”, trong đó mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích gieo trồng hữu
cơ và hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 1.322 ha, chiếm 0,49% diện tích đất sản
xuất nông nghiệp toàn tỉnh; trong đó diện tích gieo trồng hướng hữu cơ 1.251
ha, chiếm 0,46% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh; diện tích gieo trồng
hữu cơ 72 ha, chiếm 0,03% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
Tỉnh Đồng Nai cũng đã
ban hành kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 2/8/2024 về phát triển sản xuất nông
nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Nội dung Kế hoạch Đề án khuyến khích các tổ chức và
cá nhân thực hiện phát triển sản xuất, chế
biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp
hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng cao, nâng cao giá trị sản
phẩm cao gấp 1,5 - 2,0 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường; đảm bảo an
toàn cho người sản xuất, bảo vệ sự đa dạng hệ sinh thái và môi trường; gắn với
phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và
phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Triển khai thực hiện 10 dự án ưu tiên đầu tư phát triển sản
xuất nông nghiệp hữu cơ, gồm: dự án đầu tư sản xuất lúa hữu cơ; dự án đầu tư
sản xuất rau hữu cơ; dự án đầu tư sản xuất hồ tiêu hữu cơ; dự án đầu tư sản
xuất điều hữu cơ; dự án đầu tư sản xuất bưởi hữu cơ; dự án đầu tư sản xuất sầu
riêng hữu cơ; dự án đầu tư sản xuất xoài hữu cơ; dự án đầu tư chăn nuôi heo hữu
cơ; dự án đầu tư chăn nuôi gia cầm hữu cơ; dự án đầu tư xây dựng các chuỗi liên
kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo
chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh
các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn
đối với các sản phẩm chủ lực.
Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ nâng tổng diện tích
trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ lên mức 4.400 hecta, chiếm 2,13% diện tích đất
sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh; trong đó, diện tích trồng trọt hướng hữu cơ
3.242 ha, chiếm 1,57% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh và diện tích
trồng trọt hữu cơ 1.158 ha, chiếm 0,56% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn
tỉnh. Phát triển đàn gia súc, gia cầm và thủy sản chăn nuôi hữu cơ lần lượt lên
mức: 1.030 con bò, 1.700 con dê, 10.200 con heo, 507.500 con gia cầm, 1.700 con
dê và 400 hecta chăn nuôi các loại thủy hải sản.
Ngoài ra, đến năm 2030 ở mỗi vùng phát triển nông nghiệp hữu
cơ tập trung, các địa phương tại Đồng Nai sẽ xây dựng và phát triển ít nhất 1
mô hình chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đối với từng ngành
hàng, đảm bảo giá trị sản phẩm hữu cơ cao gấp 1,5-2 lần so với sản xuất nông
nghiệp thông thường. Đối với các sản phẩm trồng trọt hữu cơ, tỉnh Đồng Nai tập
trung phát triển nhiều nhất đối 7 loại cây trồng chủ lực, bao gồm: lúa, rau
màu, hồ tiêu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối và điều. Các vùng sản xuất nông
nghiệp hữu cơ sẽ tập trung chủ yếu tại các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú,
Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Trong khi đó, khu vực chăn nuôi thủy sản hữu cơ sẽ tập
trung chủ yếu ở địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Ngoài vùng phát triển sản xuất tập trung đã được quy hoạch,
tùy vào điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp của các địa phương để tuyên
truyền phát triển mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở những điểm đáp ứng tốt
các tiêu chí về môi trường đất, nước, tiêu chí về mức độ thích nghi cây trồng
và tính cạnh tranh của sản phẩm và tiêu chí về hiện trạng sản xuất nông nghiệp
hướng hữu cơ hoặc theo các tiêu chuẩn khác (VietGAP, GlobalGAP, GACP (Thực hành
tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu), GACP-WHO, chỉ dẫn địa lý…) đã được hình
thành và định hướng phát triển của các bộ, ngành và địa phương.
Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của nhà nước về phát
triển nông nghiệp hữu cơ. Các dự án của cá nhân, doanh nghiệp đạt tiêu chí nông
nghiệp hữu cơ theo quy định sẽ được ưu tiên hưởng các chính sách theo Nghị
quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 quy định về chính sách hỗ trợ phát
triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, Nghị
Quyết số 143/2018/NQ/HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh về việc quy định chính
sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn
tỉnh Đồng Nai, Nghị Quyết số 198/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh quy
định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiêu tiên
tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Và nhiều chính sách hỗ trợ đào
tạo chuyên môn, quản lý và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình
canh tác hữu cơ.
Hình:
Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa.
(Vương Lan)