Đề án giảm thiểu
khí cac-bon trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 385/QĐ-UBND và
Kế hoạch số 267/KH-UBND về triển khai thực hiện các hợp phần của Đề án giảm thiểu
khí cac-bon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua
09 tháng thực hiện triển khai Đề án đã mang lại một số kết quả khả quan.
Về ký kết Hợp tác: UBND tỉnh đã thực hiện ký kết Hợp tác
tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Nai giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Công ty Cổ phần
Công nghệ Viễn thông Sài Gòn.
Về đề xuất các Khu công nghiệp xanh, thí điểm cụm công
nghiệp xanh: Mô hình phát triển khu công nghiệp xanh theo tiêu chuẩn Net Zero
trên địa bàn xã Hàng Gòn – TP. Long Khánh và nghiên cứu thí điểm mô hình Cụm
công nghiệp xanh đối với các cụm Quang Trung 1, Quang Trung 2 và cụm công nghiệp
Hàng Gòn đã được cụ thể hóa trong quan điểm, tầm nhìn, định hướng, nhiệm vụ đột
phá và được hiện thực hóa thông qua danh mục các dự án ưu tiên của hồ sơ lập
quy hoạch tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
586/QĐ-TTg ngày 03/07/2024.
Về thành lập Tổ công tác chỉ đạo thúc đẩy tiến độ thực hiện
các nhiệm vụ liên quan đến triển khai Đề án: Ủy ban Nhân dân tỉnh đã thành lập
Ban chỉ đạo thực hiện Đề án theo quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 31/01/2024.
Theo đó, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh các phương
hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng
xanh; triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các Chiến lược, Kế
hoạch về tăng trưởng xanh và đặc biệt là Đề án về những nhiệm vụ giải pháp triển
khai kết quả Hội nghị COP26.
Đề án Net Zero chọn 7 ngành nghề, lĩnh vực, khu vực chủ yếu
gồm: (1) Năng lượng, (2) giao thông, (3) công nghiệp, (4) môi trường, (5) nông
nghiệp, (6) xây dựng, (7) khu đô thị; nội dung Đề án gồm 3 Hợp phần: Hợp phần
1- Nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải khí nhà kính (KNK) trên địa bàn tỉnh;
Hợp phần 2- Xác định mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện giảm thiểu khí cac-bon của tỉnh
và Hợp phần 3- Huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện Đề án. Đề án đã phân
công nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện
dựa trên nhiệm vụ của đơn vị.
Bước đầu, công tác tuyên truyền triển khai Đề án đã được
các Sở, ngành tổ chức nhiều cuộc Hội nghị chuyên đề như: “Xu hướng Net Zero của
Thế Giới và định hướng phát triển xanh và bền vững tỉnh Đồng Nai”; Hội nghị tập
huấn “Tuyên truyền Đề án Net Zero tỉnh Đồng Nai”,..các Hội nghị đã diễn ra tốt
đẹp, được truyền thông rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về
việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển xanh, bền vững. Tại các Hội
nghị đã được Chuyên gia về môi trường nêu bật được các giải pháp tăng cường hiệu
quả truyền thông bảo vệ môi trường và giải pháp phát huy hiệu quả Đề án.
Giai đoạn này cũng đã hoàn thành việc lựa chọn đơn vị tư
vấn, thực hiện ký Hợp đồng với Trung tâm Công nghệ môi trường để xây dựng Đề
cương và dự toán kinh phí thực hiện nội dung của Hợp phần 1. Sau khi đề cương
và dự toán kinh phí được phê duyệt sẽ tiếp tục đề xuất hình thức lựa chọn đơn vị
tư vấn có kinh nghiệm, năng lực để tổ chức triển khai thực hiện việc nghiên cứu,
đánh giá thực trạng phát thải khí nhà kính trên đại bàn tỉnh Đồng Nai và xác định
mục tiêu, định hướng, giải pháp giảm thiểu khí thải cac-bon theo các quy định
pháp luật hiện hành. Một số nội dung của Hợp phần 2 cũng sẽ được tổ chức thực hiện
song song với Hợp phần 1 (trừ các nội dung có yêu cầu phải có kết quả đánh giá
của Hợp phần 1).
Đối với lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai nhiều giải
pháp để hướng đến cân bằng lượng KNK giữa hấp thụ và phát thải như: quản lý chăn nuôi chặt chẽ, nhất là môi trường
của các cơ sở chăn nuôi; phối hợp với các Sở, ngành liên quan kêu gọi các nhà đầu
tư, nghiên cứu lập đề án, dự án về tín chỉ cac-bon thương mại trên địa bàn;
phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp tuần hoàn; áp dụng quy
trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; quản lý chặt chẽ tài nguyên rừng; triển
khai Đề án trồng 01 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đồng thời phối
hợp với các đơn vị nghiên cứu, đề xuất thương mại hóa tín chỉ cac-bon rừng khi có
đủ hành lang pháp lý.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực thuộc các Sở, ngành: Giao
thông, Khoa học công nghệ, Công thương, Thông tin-truyền thông,.. cũng đã xây dựng lộ trình thực
hiện thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường phát triển bền vững, tăng
trưởng xanh.
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Báo cáo số
402/BC-UBND ngày 20/11/2024 của UBND tỉnh yêu cầu
các Sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện Đề án trong thời gian tới:
(1)
Khẩn trương hoàn chỉnh Đề cương, lựa chọn đơn vị tư vấn
có kinh nghiệm, năng lực
để tổ chức triển khai Hợp phần 1 – Nghiên cứu thực trạng phát thải KNK trên địa
bàn tỉnh. (2) Các Sở, Ban, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục tham mưu
UBND tỉnh triển khai có hiệu quả các Chương trình, kế hoạch về tăng trưởng
xanh, các mục tiêu nhiệm vụ Đề án của ngành, lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ
được giao. (3) Tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, vận động các tổ chức,
doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện mục tiêu cam kết giảm thiểu khí
cac-bon trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm
công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý doanh nghiệp về ứng phó với
biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải KNK. (4) Huy động doanh nghiệp tích cực
tham gia thực hiện cam kết mức phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050; tăng cường
kết nối với hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kêu gọi, thu hút sự tham
gia hỗ trợ tài chính và công nghệ thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng
“0” vào năm 2050. (5) Triển khai các hoạt động ngoại giao khí hậu, tranh thủ hiệu
quả các nguồn lực bên ngoài, nâng cao vai trò và vị thế của Tỉnh tại các tổ chức,
cơ chế, diễn đàn song phương, đa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả các
quy định pháp luật trong thực thi các cam kết có tính ràng buộc pháp lý đối với
Tỉnh liên quan đến nội dung Đề án.
Để triển khai thực
hiện Đề án có hiệu quả, các Sở, Ban, ngành, địa phương phải thực hiện hiệu quả
nhiệm vụ trọng tâm của ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ; đồng thời phải
tích cực và kịp thời phối hợp với đơn vị tham mưu chính là Sở Tài nguyên và Môi
trường trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Hình: Khu công nghiệp Tp. Long Khánh - Mô hình phát triển khu công nghiệp xanh theo tiêu chuẩn Net
Zero.
(Vương Lan)