Hiện nay, nhiều người dân, chủ cơ sở kinh doanh không hiểu
phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa như thế nào là đúng, mà chỉ mơ hồ
hiểu rằng truy xuất nguồn gốc nghĩa là sản phẩm có mã QR.
Nhằm thông tin rộng rãi tầm quan trọng của việc truy xuất
nguồn gốc để nhận diện giá trị sản phẩm; ngày 04/12/2024, Sở Khoa học đã tổ chức
tập huấn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và các nội dung liên quan dành
cho đối tượng là cán bộ công chức, viên chức đại diện các Sở, ngành, địa
phương đang phụ trách quản lý ngành nghề có liên quan; các chủ doanh nghiệp,
cơ sở hoạt động kinh doanh và các Hợp tác xã đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
tham dự.
Thời lượng tập huấn gói gọn trong khuôn khổ 1 ngày nhưng
các diễn giả đã trình bày, chuyển tải đầy đủ các thông tin quan trọng, cần thiết.
Đồng thời hội nghị đã thảo luận giúp các chủ cơ sở, doanh nghiệp nắm bắt được
các vấn đề có liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà doanh nghiệp đang
vướn mắc. Các nội dung được trình bày tại hội nghị bao gồm: Tổng quan, các tiêu
chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa; Phổ biến và hướng
dẫn thực hiện Thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản
phẩm, hàng hóa Quốc gia; Hướng dẫn áp dụng truy xuất nguồn gốc; Giới thiệu hệ
thống truy xuất nguồn gốc điện tử một số mô hình điểm ứng dụng hệ thống truy xuất
nguồn gốc. Và, các diễn giả hướng dẫn cách xác thực, quản lý sản phẩm, tạo mã sản
phẩm cho các chủ cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã nắm rõ để ứng dụng quản lý, bảo
vệ sản phẩm, theo dõi thông tin sản phẩm khi lưu thông trên thị trường. Đồng thời,
các doanh nghiệp tham gia thảo luận về quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cho
một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm nâng cao lợi
thế cạnh tranh như: Bưởi Tân Triều, mô hình chăn nuôi và cung ứng sản phẩm gà
thảo mộc, các sản phẩm phân bón,..
Bên
cạnh đó, nội dung quan trọng được nhấn mạnh dùng làm căn cứ áp dụng cho việc
truy xuất nguồn gốc hàng hóa là Thông tư 02/2024/TT-BKHC. Trong đó thể hiện dữ
liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất
nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh công bố bao gồm tối
thiểu các thông tin sau: 1- Tên sản phẩm, hàng hóa; 2- Hình ảnh sản phẩm,
hàng hóa; 3- Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; 4- Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh
doanh; 5- Các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông
tin: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất
nguồn gốc của từng công đoạn); 6- Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các
sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra); 7- Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng
hóa; 8- Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); 9- Thời
hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); 10- Các tiêu chuẩn quốc gia, quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ
sở được áp dụng.
Dữ
liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng tra cứu
trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bao gồm
tối thiểu các thông tin sau: Tên sản phẩm, hàng hóa; Hình ảnh sản phẩm, hàng
hóa; Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; Thời
gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra);
Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); Thời hạn sử
dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có).
Sản
phẩm trong từng sự kiện sau mỗi công đoạn được định danh mã truy xuất nguồn gốc
để truy xuất nguồn gốc. Mã truy xuất nguồn gốc được mã hóa trong vật mang dữ
liệu.
Truy
xuất nguồn gốc sản phẩm là một giải pháp cho người dùng truy xuất, tìm
hiểu thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, truy ngược từ sản
phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công
đoạn trong chế biến và phân phối. Người dùng thông qua truy xuất nguồn gốc có
thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy
đủ và chi tiết nhất.
Đối
với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi
theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Đây không chỉ là bước để các
doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng mà còn là "bức tường"
bảo vệ uy tín sản phẩm và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp không chỉ chinh phục
thị trường trong nước, mà còn hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi
hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương
mại. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây chính là công cụ hữu ích phục vụ cho
công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa.
Đối
với xuất khẩu hàng hóa, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc
thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa
xuất khẩu, tức là đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá
trị chung. Còn đối với hàng hóa nhập khẩu, thông qua việc truy xuất có thể kiểm
soát chất lượng của các mặt hàng nhập khẩu tốt hơn, tạo được niềm tin cho người
tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong
nước.
Truy
xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong xu thế hội nhập là tất yếu để người
tiêu dùng đến doanh nghiệp nhận diện được giá trị sản phẩm, đặc biệt truy xuất
nguồn gốc còn là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên
nhận diện được giá trị tham gia vào chuỗi cung ứng.
Hình: Quang cảnh buổi tập huấn
(Vương
Lan)