Chiều 25/12/2024 tại Trụ
sở Chính phủ, Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan
liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật,
nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết
nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy
viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch
Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị.
Quang
cảnh Hội nghị
Dự Hội nghị có Ủy viên
Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; cùng dự Hội
nghị có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, các Phó Chủ tịch Quốc hội,
các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội
đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Tuyên giáo Trung
ương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước.
Tham dự Hội nghị tại
các điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các đồng chí Chủ
tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ quan tại
địa phương. Tại điểm cầu Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chủ
trì cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội
nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế phát triển là một
trong ba đột phá chiến lược, thể chế là "đột phá của đột phá", là nguồn
lực, động lực phát triển. Quốc hội, Chính phủ đã cùng nhau thực hiện chủ trương
của Đảng, đã dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế
nhưng đến nay thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội
khoá XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (18 luật, 4 nghị quyết quy
phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế, xã hội) với sự đồng thuận,
thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó, nhiều luật, nghị quyết
liên quan đến các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, như: Đầu tư; tài
chính, ngân sách, thuế; an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh.
Các luật, nghị quyết được
thông qua đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng
pháp luật theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm ngắn gọn, rõ
ràng, dễ hiểu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế
nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Thủ tướng, kết quả
đó đã thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm,
trọng điểm của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan trong công
tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, sự tham gia của đồng bào, cử tri, doanh nghiệp;
tiếp tục khẳng định sự phối hợp ngày càng hiệu quả, chặt chẽ giữa Quốc hội và
Chính phủ.
Ngay sau Kỳ họp thứ 8,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương
triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng
và thi hành pháp luật, cụ thể là tuyên truyền, phổ biến pháp luật; ban hành kế
hoạch; phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết.
Thực tiễn chứng minh việc
đưa các chính sách vào cuộc sống và phát huy hiệu quả luôn là thách thức lớn.
Do đó, Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để đánh giá kết quả xây dựng pháp
luật tại Kỳ họp thứ 8, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới; tập
trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, và nhiệm vụ chủ yếu cần
triển khai; chia sẻ, lắng nghe ý kiến về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gặp
phải trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật.
Đồng thời, củng cố niềm
tin cho người dân, doanh nghiệp vào pháp luật; giúp cán bộ, công chức nắm vững
các quy định, tự tin, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong
thực thi công vụ; đặc biệt là quán triệt tư tưởng đổi mới tư duy xây dựng pháp
luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn mới với cơ chế Đảng
lãnh đạo, Nhà nước, Nhân dân làm chủ.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng
yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của
Bộ Chính trị về xây dựng và thực thi pháp luật; hoàn thiện cơ chế thực hiện thực
thi pháp luật theo nguyên tắc làm theo Hiến pháp và pháp luật.
Khẩn trương ban hành,
trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 130 văn bản để thực hiện các luật và nghị
quyết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, xây dựng hệ thống pháp luật bao
trùm, xuyên suốt, thống nhất và toàn diện.
Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức đa dạng,
phong phú; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm,
dám chịu trách nhiệm.
Thủ tướng Phạm Minh
Chính cũng yêu cầu tăng cường hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản
quy phạm pháp luật; thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành nhằm
nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Chủ động phát hiện, chủ
động xử lý đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành luật, nghị
quyết hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật
có liên quan để xử lý những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp
với thực tiễn, trái pháp luật, cản trở sự phát triển, gây khó khăn, phiền hà
cho người dân, doanh nghiệp.
Nguyễn
Ánh Tuyết