Sáng ngày 24/12/2024, tại hội trường Khách sạn Đồng
Nai, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp phối hợp với Báo Pháp luật
Việt Nam, Video Pháp luật và Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo về công
tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng
Nai, với mục đích nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ
và vừa cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh
doanh, đồng thời phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 của Chính
phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
(chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP
ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018) nhằm kịp thời cung
cấp thông tin liên quan việc sử dụng, xây dựng không gian mạng an toàn và lành
mạnh tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của tiến sĩ Ngô
Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và tiến sĩ Nguyễn
Thị Minh Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo
dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp. Về phía đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Đồng
Nai có đồng chí Nguyễn Thị Kim Hương – Phó Giám đốc sở dự. Ngoài ra, hội thảo
còn có sự tham gia và góp mặt của đông đảo đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành
liên quan; các luật sư, luật gia và cán bộ tham mưu thực hiện công tác hỗ trợ
pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; đại diện Hiệp hội
doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai; đại diện một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa
bàn tỉnh Đồng Nai; đại diện Ban giám hiệu, sinh viên của các trường đại học và
một số cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh.
Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ
Tư pháp phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa
- Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết tại Việt
Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% trong tổng số gần 930.000
doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Trong đó, tỉnh Đồng Nai hiện có hơn
50.000 doanh nghiệp, hơn 60% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và
vừa có vai trò quan trọng trong việc đóng góp, phát triển nền kinh tế tỉnh nhà.
Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành các thể chế, hành lang pháp lý bảo vệ cho
doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó bao gồm Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày
10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh
nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; Nghị quyết 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính
phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW;
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị số 55/2019/NĐ-CP ngày
24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… Bên cạnh
đó, những thách thức mới được đặt ra cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như quy mô
bé, nguồn lực hạn chế, chưa thật sự quan tâm đến các vấn đề pháp lý và đào tạo cán
bộ pháp chế dẫn đến việc thường xuyên gặp phải những rủi ro về pháp lý. Vì vậy,
thực tế đòi hỏi cần thường xuyên nâng cao nhận thức, kiến thức của công chức,
viên chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp đối với lĩnh vực
này, từ đó công tác phối hợp, hỗ trợ pháp lý giữa hai bên đạt được nhiều hiệu
quả, phát triển bền vững và chặt chẽ hơn.
Đối với công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh Đồng Nai, đồng chí Nguyễn Thị Kim Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát
biểu, Sở đã thực hiện nhiều biện pháp, các nhiệm vụ chuyên môn nhằm phù hợp với
chức năng, nhiệm vụ được giao. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận
và tuyên truyền kịp thời các quy định pháp lý có liên quan; được tập huấn về
các chế độ, chính sách pháp luật của nhà nước, từ đó nâng cao trình độ nhận thức,
tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý và góp phần hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp trong
quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời, Sở cũng cố gắng giải
quyết kịp thời các thủ tục hành chính; nghiên cứu, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh
Đồng Nai ban hành các văn bản, quy định, chính sách nhằm góp phần hỗ trợ pháp
lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế rủi ro, tranh chấp trong
kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo
luận sôi nổi 04 chuyên đề có liên quan nổi bật nhất trong giai đoạn hiện nay,
bao gồm: những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thường gặp phải trong việc
xử phạt vi phạm hành chính; các quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý
vi phạm hành chính trên môi trường mạng; định hướng về phát huy vai trò của các
doanh nghiệp trong việc góp ý, phản biện chính sách, dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật của nhà nước; vai trò của các doanh nghiệp trong việc góp ý, phản biện
chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước.
Kết thúc buổi hội thảo, tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa đánh giá
cao tính hiệu quả của hội thảo vì đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã
tích cực tham gia thảo luận, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn,
những bất cập quy định pháp luật, đồng thời góp ý, đề xuất các cách làm hay, giải
pháp khả thi trong thời gian tới. Qua hội thảo lần này, Bộ Tư pháp đã có cơ hội
được thu tiếp những ý kiến thảo luận quý báu, lắng nghe và chia sẻ về những khó
khăn, vướng mắc từ thực tiễn hoạt động của các đại biểu tham dự, từ đó cơ quan
nhà nước sẽ có cơ sở để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ
pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp
nhỏ và vừa. Những đóng góp này sẽ giúp cơ quan chuyên môn hoàn thiện các quy định
pháp luật ngày càng chặt chẽ; giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước
cũng như tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp đầu
tư phát triển bền vững, kinh doanh ổn định và hạn chế rủi ro, tranh chấp kinh
doanh trong tương lai.
Nguyễn Thái Đạt – Phòng Đầu tư và Quản lý doanh nghiệp