Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa).
* Tăng hàm lượng công nghệ cho sản phẩm
Trước đây, hoạt động NC và PT chủ yếu sử dụng ngân sách và tập trung nhiều tại các viện nghiên cứu. Kể từ khi Luật KH và CN ban hành (năm 2013), với quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải dành kinh phí đầu tư để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa thì hoạt động NC và PT được xã hội hóa. Các doanh nghiệp thành lập bộ phận nghiên cứu với đội ngũ riêng hoặc có thể kết hợp các chuyên gia, nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học để giải quyết tốt nhất các bài toán phát triển của doanh nghiệp. Không chỉ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như VinGroup, Viettel, VNPT, TH, Thaco... mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng bắt đầu quan tâm đến NC và PT.
Tuy đầu tư tốn kém, dài hơi và nhiều rủi ro, nhưng NC và PT đã đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Chiến lược Công ty cổ phần Nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) chia sẻ, khi thị trường phân bón cạnh tranh khốc liệt, với nhiều doanh nghiệp lớn đã chiếm thị phần, công ty xác định lợi thế của mình là nghiên cứu, sáng tạo và đã mạnh dạn đầu tư. Ðến nay, doanh nghiệp đứng vững trên thị trường, được Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá là một trong 10 doanh nghiệp tư nhân sản xuất phân bón NPK lớn cả nước. Công ty thành lập Trung tâm NC và PT, với 32 cán bộ nghiên cứu, mỗi năm đầu tư khoảng 10 tỷ đồng cho NC và PT, đổi mới công nghệ. Ðội ngũ cán bộ nghiên cứu đã "đo, đếm" nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây trồng, trong từng giai đoạn sinh trưởng; nghiên cứu thổ nhưỡng nhiều vùng đất, thí nghiệm, sản xuất thử nghiệm, xây dựng quy trình kỹ thuật bón... để tạo ra các loại phân bón có tính cạnh tranh cao và chuyên biệt cho từng loại cây trồng, trên từng loại đất khác nhau. Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed (Thái Bình) cho biết, NC và PT sản phẩm là hướng mũi nhọn trong hoạt động của công ty. Từ Trung tâm NC và PT, năm 2019, Tập đoàn thành lập Viện Nghiên cứu cây trồng để tăng tiềm lực cho nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống cây trồng. Kinh phí đầu tư mỗi năm cho NC và PT hàng chục tỷ đồng. Nhờ ứng dụng KH và CN vào hoạt động, Tập đoàn ThaiBinh Seed trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng, sở hữu nhiều giống cây trồng được công nhận là giống quốc gia.
Mục tiêu của NC và PT là giải quyết các nhu cầu của chính doanh nghiệp, cho nên các kết quả nghiên cứu sớm đi vào cuộc sống, tránh được tình trạng "đề tài bỏ ngăn kéo". Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương (Hà Nội) cho biết, công ty dành 10% doanh thu đầu tư cho NC và PT. Nhờ đầu tư KH và CN, sản phẩm dầu gội thảo dược Nature Queen của công ty đã xuất khẩu đi Mỹ, Anh, được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu ở 38 nước. Ðại diện Công ty cổ phần Dụng cụ thể thao Delta (Thanh Hóa) cho biết, mỗi năm công ty đầu tư từ 20 đến 25 tỷ đồng cho NC và PT để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm như bóng, quần áo thể thao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều nước. Chẳng hạn, nghiên cứu thay đổi công nghệ sản xuất bóng từ da bò thật sang da nhân tạo PVC, từ da nhân tạo khó phân hủy sang da thân thiện, phân hủy được trong môi trường tự nhiên. NC và PT giúp công ty cải tiến sản phẩm nhanh theo đòi hỏi của thị trường và tận dụng được số trang thiết bị đầu tư cho nghiên cứu đưa vào phục vụ sản xuất, tránh tình trạng đắp chiếu thiết bị sau nghiên cứu.
Theo kết quả điều tra của Bộ KH và CN, năm 2017 cả nước có 172.683 người tham gia các hoạt động NC và PT. Trong đó, nhân lực NC và PT trong khối doanh nghiệp là 26.192 người, tăng khá mạnh so với 18.553 người năm 2013. Tỷ lệ phần trăm chi của doanh nghiệp cho NC và PT so với tổng chi NC và PT của cả nước tăng liên tục, năm 2015 là 28,4%, năm 2019 là 64,1%. Theo các chuyên gia, số lượng nhân lực tăng không nhiều, nhưng tiền đầu tư cho NC và PT tăng nhanh cho thấy hiệu quả nghiên cứu của từng cá nhân đã được tăng lên.
* Cần chính sách khuyến khích đủ mạnh
Tuy doanh nghiệp đã chủ động đầu tư cho NC và PT, nhưng vẫn rất cần sự hỗ trợ về các chuyên gia, nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, trường đại học để tư vấn, phản biện các định hướng phát triển của doanh nghiệp. Lâu nay, chủ yếu doanh nghiệp tự tìm hiểu, kết nối các chuyên gia, cho nên hiệu quả chưa cao. Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH và CN), báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu từ năm 2015 - 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng chỉ tiêu "Hợp tác đại học - doanh nghiệp" của Việt Nam tăng liên tục từ thứ hạng 89 (năm 2015) lên thứ hạng 59 (năm 2018), nhưng lại giảm mạnh vào năm 2019 (xếp hạng thứ 75, giảm 16 bậc so với năm 2018). Ðiều này phản ánh mối liên kết khá lỏng lẻo giữa trường đại học và doanh nghiệp. Ðể thúc đẩy sự sáng tạo tri thức trong các viện nghiên cứu, trường đại học và ứng dụng nó trong các ngành công nghiệp, doanh nghiệp và các nhà khoa học phải liên kết, hợp tác với nhau dưới nhiều hình thức, như: đối tác cùng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu; cung cấp các dịch vụ nghiên cứu, tư vấn kỹ thuật, đo lường, kiểm định chất lượng, phát triển sản phẩm mẫu; chia sẻ cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm, trung tâm ươm tạo; đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp, nhà khoa học sang làm việc biệt phái tại các doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả các cơ chế hỗ trợ. Hiện, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp KH và CN đối với sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ... Tuy nhiên, số liệu của Cục Thông tin KH và CN quốc gia (Bộ KH và CN), trong tổng số 2004 doanh nghiệp của cả nước được điều tra thì không nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ yếu sử dụng vốn tự có để thực hiện đổi mới sáng tạo. Lý do cản trở doanh nghiệp tiếp cận các hình thức hỗ trợ của Nhà nước là thiếu thông tin, không biết đầu mối để kết nối hoặc hình thức hỗ trợ chưa phù hợp. Ðại diện Công ty cổ phần Dụng cụ thể thao Delta cho rằng, việc miễn tiền thuê đất chưa phù hợp khi chỉ áp dụng cho mục đích xây dựng phòng thí nghiệm; cơ sở ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH và CN; cơ sở thực nghiệm, cơ sở sản xuất thử nghiệm. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa sử dụng đất cho thí nghiệm, thử nghiệm vừa sản xuất để thương mại hóa kết quả nghiên cứu lại không được miễn. Công ty cổ phần Thần Nông Thanh Hóa cho biết, quy định tỉnh hỗ trợ 20% chi phí đầu tư phòng thí nghiệm, nhưng cao nhất không quá một tỷ đồng là quá ít so với chi phí đầu tư phòng thí nghiệm hiện nay. Một số doanh nghiệp đề nghị cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh để bảo vệ những doanh nghiệp đầu tư KH và CN bài bản trước các sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ. Cần tăng mức trích lập quỹ KH và CN trong doanh nghiệp tư nhân để doanh nghiệp có nguồn lực cho NC và PT.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có bộ phận NC và PT thực hiện đổi mới sáng tạo tích cực hơn các doanh nghiệp không có bộ phận này. Xã hội hóa nghiên cứu KH và CN sẽ khai thác được nguồn lực của xã hội cho NC và PT chung của đất nước, các kết quả nghiên cứu sẽ nhanh đi vào cuộc sống, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy hoạt động NC và PT trong doanh nghiệp, thu hút được các nhà khoa học giỏi đến để giải quyết những bài toán của chính doanh nghiệp.
Theo: HÀ LINH - nhandan.com.vn