Việt Nam là một quốc gia
đang bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là
những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ lụt cùng những hệ lụy
như nước biển dâng, xâm ngập mặn. Để đẩy mạnh giải quyết các tác động của BĐKH
và nắm bắt các cơ hội của quá trình chuyển đổi carbon thấp, Việt Nam đã cam kết
đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã
công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 năm 2021. Nhằm hiện thực hóa
mục tiêu này, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến
năm 2050, trong đó vạch ra tầm nhìn, mục tiêu và biện pháp giảm thiểu trong các
lĩnh vực then chốt, chẳng hạn như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và chất
thải.
Đối với tỉnh Đồng Nai,
đến năm 2030 Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế năng động - là
động lực tăng trưởng, hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;
cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cần thiết để trở thành thành phố trực thuộc
trung ương trong giai đoạn 2030-2035. Tỉnh sẽ đi đầu trong phát triển công
nghiệp hiện đại, trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cửa ngõ trung
chuyển của miền Nam lấy cảng hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân; có hệ
thống đô thị ven sông, đô thị sinh thái hiện đại, thông minh và đáng sống với
các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và y tế hàng đầu cả nước. Với tư duy đột
phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định tầm nhìn đến
2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong
phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị
đẳng cấp, đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh
tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "Net-Zero
2050”.
Đồng
Nai hướng tới Net Zero (giảm phát thải khí nhà kính ròng về 0) để phát triển
bền vững. Theo số liệu thống kê năm 2023, tỉnh Đồng Nai có: 33 khu công nghiệp;
27 cụm công nghiệp; có diện tích tự nhiên toàn tỉnh là: 5.863km2 ;
có quy mô dân số là: 3,2 triệu người. Toàn tỉnh có hơn 53.000 doanh nghiệp; hơn
1.600 dự án FDI và 1.000 dự án đầu tư trong nước.
Tình
hình tiêu thụ năng lượng lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, mức phát thải khí nhà
kính (KNK) dự báo sẽ tăng cao trong tương lai. Trước tình hình đó, tỉnh Đồng
Nai đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 19/02/2024 phê duyệt Đề án giảm
thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, tỉnh đã
chọn các lĩnh vực như: năng lượng, giao thông, công nghiệp, môi trường, lâm
nghiệp, xây dựng và khu đô thị để tập trung nghiên cứu hiện trạng, xây dựng các
giải pháp giảm KNK về 0. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đang định hướng xây
dựng Đề án tái cơ cấu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để hướng tới nền
nông nghiệp sinh thái bền vững.
Các
dự án giảm thiểu phát thải và các dự án thí điểm phát triển kinh tế xanh để góp
phần thực hiện Đề án giảm thiếu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2050:
1. Các sáng kiến đã được thực hiện trên Thế giới và ở
Việt Nam hiện nay:
-
Điện mặt trời áp mái
-
Điện gió.
-
Tái sử dụng bùn thải làm vật liệu san lấp.
-
Tái sử dụng rác thải nhựa làm đường nhựa.
-
Sản xuất nông nghiệp xanh không hóa chất, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần
hoàn, đa dạng sinh học, đa dạng cây trồng, phát triển nền nông nghiệp bền vững.
-
Bảo tồn đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu.
2. Các sáng kiến được định hướng, lập dự án triển
khai trong tương lai:
Hiện
nay tại nhiều địa phương trên cả nước đã và đang xúc tiến triển khai các dự án
phát triển xanh, mong muốn lập các dự án như:
-
Tái sử dụng nước thải đã qua xử lý.
-
Thu gom và tái sử dụng nước mưa.
-
Tái chế chất thải hữu cơ làm phân compost thông qua các Dự án: Tái chế chất thải
nhà bếp; Tái chế phụ phế phẩm nông nghiệp; Tái chế rác thải hữu cơ thu gom từ
các chợ truyền thống,…
-
Tái chế chất thải gypsum làm vật liệu xây dựng.
-
Xây dựng nhà máy điện sinh khối (biomass plant) từ các nguồn nguyên liệu sẵn
có: Phụ phẩm chăn nuôi, sinh khối gỗ, bã mía, vỏ cà phê, rác thải, rơm rạ, trấu
đồng,..
3.
Phát thải KNK được tính toán bằng công thức cơ bản sau:
* Phát thải = Số liệu hoạt động x Hệ số phát thải
trong đó:
- Số liệu hoạt động là
số lượng các hoạt động của con người gây ra phát thải KNK như tiêu thụ xăng,
tiêu thụ điện, thải bỏ chất thải, phá rừng...
- Hệ số phát thải là tỷ
lệ phát thải KNK trung bình trên một đơn vị của số liệu hoạt động.
Các ngành kinh tế trọng
điểm của tỉnh Đồng Nai, như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và du
lịch, đều có rủi ro bị ảnh hưởng tiêu cực bởi BĐKH. Đồng thời, các ngành này
cũng là những nguồn phát thải KNK chính, góp phần làm gia tăng nhiệt độ toàn
cầu. Trước những thực trạng trên, Đề án giảm phát thải carbon của tỉnh Đồng Nai
là một bước đi cần thiết và quan trọng để tỉnh Đồng Nai thực hiện cam kết với
các mục tiêu khí hậu quốc gia và quốc tế, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường,
nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững.
Hình 1: Khu công nghiệp Long Thành
với mục tiêu chiến lược “Net Zero”
Hình 2: Vườn Quốc gia
Nam Cát Tiên với chiến lược bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học rừng,
tiềm năng lớn trong việc sản xuất, trao đổi, bán tín chỉ carbon.
(Ths. Vương Lan)