Đồng Nai hiện
có hàng ngàn dự án đang hoạt động trong các Khu công nghiệp (KCN). Quá trình
hoạt động, nhiều dự án đã đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất. Trước đây, thủ tục
mở rộng nhà xưởng sản xuất khá đơn giản, nhưng từ tháng 6-2023, Nghị định số
35/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 20/6/2023 (Nghị định 35) ban hành,
doanh nghiệp (DN) phải thực hiện thêm các thủ tục, gây khó khăn và mất nhiều
thời gian.
Một trong số đó là quy định lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá
nhân và cộng đồng dân cư có liên quan khi thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng
mặt bằng (lập quy hoạch tỷ lệ 1/500). Điều này có bất cập là hiện tại, trong
các KCN, KCNC của Đồng Nai không có cư dân sinh sống, bên cạnh đó hầu hết các
dự án trước đây cũng đã trải qua thủ tục lập quy hoạch 1/500. Do đó, những bất
cập này cần được xem xét lại.
Doanh nghiệp mất thêm thời gian so với trước đây, thời gian làm thủ tục cấp phép xây dựng trong KCN
chỉ khoảng 4 tháng. Tuy nhiên, từ khi Nghị định số 35 ra đời thì mất thêm 4
tháng nữa cho bước lập quy hoạch chi tiết rút gọn (1/500). Như vậy, DN mất tổng
cộng ít nhất là 8 tháng cho thủ tục xây dựng. Tính thêm 2 tháng trước đó cho
các thủ tục đầu tư, thành lập DN, mở tài khoản ngân hàng thì để có thể đi vào
xây dựng dự án, DN phải mất khoảng 1 năm.
Việc này, kéo theo việc mất nhiều thời gian hơn, giá thành
xây dựng cũng bị đội lên vì có nhiều yêu cầu phức tạp nhưng lại chưa thực sự
sát với thực tế, nhất là những tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy mà cộng đồng
DN đã có nhiều phản ánh trong thời gian qua.
Theo khoản 4, khoản 5, Điều 2 Nghị định 35 thì Doanh nghiệp phải
lập quy hoạch tổng mặt bằng cho tất cả các dự án đầu tư mới hay hiện hữu mở
rộng. Điều này sẽ gây khó khăn, tốn nhiều thời gian, bởi một dự án đầu tư để
hoàn chỉnh được cấp giấy phép xây dựng thì phải mất 9 tháng làm thủ tục pháp lý
từ các bước thẩm định quy hoạch 1/500, thẩm định, cấp giấy phép xây dựng.
Một số DN trong KCN, KCNC cũng đang vướng phải các khó khăn
khi thực hiện theo Nghị định 35. DN mong làm nhanh nhưng thủ tục lại chậm, ảnh
hưởng tiến độ đưa đất KCN vào sử dụng. Thực tế, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ
thể về thủ tục hồ sơ chi tiết để DN tuân thủ các quy định của Nghị định. Do
vậy, việc sớm có các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc là rất cần thiết.
Theo các DN, một trong những vấn đề vướng mắc và bất cập
hiện nay theo Nghị định 35 là vấn đề lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và
cộng đồng dân cư có liên quan khi thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng
đối với các dự án trong KCN, KCNC.
Đối với các dự án nằm ngoài KCN, KCNC việc lấy ý kiến cộng
đồng dân cư, các cơ quan tổ chức xung quanh là điều rất cần thiết. Tuy nhiên,
Đồng Nai là địa phương phát triển KCN sớm, trong KCN không có dân cư sinh sống
nên theo Nghị định 35 phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng
dân cư có liên quan khi thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng rất bất
cập. Thực tế, KCN, KCNC cũng đã được lấy ý kiến lúc lập quy hoạch 1/2.000.
Một số DN đã kiến nghị địa phương có các giải pháp tháo gỡ.
Trong đó, xem xét lại việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng
dân cư có liên quan khi thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng. Nếu những
thủ tục không cần thiết gây mất nhiều thời gian cho DN thì nên cắt bỏ để tạo
thuận lợi hơn cho DN chuẩn bị đầu tư mới cũng như đang mở rộng sản xuất trong
các KCN, KCNC.
Tháng 8-2023, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai có văn bản tham
mưu UBND tỉnh gửi Bộ Xây dựng để gỡ vướng một số vấn đề. Theo đó, kiến nghị Bộ
Xây dựng xem xét, hướng dẫn không thực hiện lập quy hoạch chi tiết theo quy
trình rút gọn đối với các dự án có diện tích nhỏ hơn 10 hécta. Do nội dung này
phát sinh sau, hơn nữa các dự án công nghiệp thường xuyên cải tạo, xây dựng,
phát sinh công trình để cập nhật công nghệ; nếu mỗi thay đổi phải lập quy hoạch
1/500 sẽ liên tục điều chỉnh theo trình tự thủ tục, gây mất thời gian, tốn kém
cho DN.
Các kiến nghị của Đồng Nai về Nghị định 35 vẫn đang được Bộ
Xây dựng nghiên cứu. Nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN trong việc tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc trong thời gian chờ được sửa đổi các cơ quan có thẩm quyền ở Đồng Nai
sẽ tích cực hỗ trợ nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho DN. Bên cạnh
đó, DN cũng cần chủ động trao đổi các khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời.
Ban Quản lý các KCN, KCNC sẽ làm đầu mối để chuyển tải những kiến nghị đến cơ
quan chức năng nhằm có giải pháp tháo gỡ, không để tình hình khó khăn của DN
kéo dài.
Đinh
Hữu Thịnh