Nông
nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Phát triển nông nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh
lương thực, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên thách thức vô cùng lớn đối với sản
xuất nông nghiệp hiện nay là phát sinh chất thải, ô nhiễm môi trường, lãng phí
tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hâụ. Trước tình hình khó khăn như vậy
thì kinh tế tuần hoàn và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hay nông nghiệp tuần hoàn là giải pháp tối ưu được nhiều
nước trên thế giới lựa chọn và ưu tiên phát triển.
Kinh tế
tuần hoàn trong nông nghiệp được xác định là quá trình sản xuất theo chu trình
khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh
học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại
làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản
tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối
đa lượng chất thải, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng
phụ phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường.
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mang lại nhiều
lợi ích như: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh
tế, đem lại lợi ích cho xã hội. Kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích trong sản
xuất, kinh doanh và tiêu dùng, cho cả người
dân, doanh nghiệp và xã hội.
Hiện
nay, Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu
những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan
tâm, định hướng phát triển. Đại hội XIII của Đảng xác định Kinh tế tuần hoàn là
một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được
các mục tiêu phát triển bền vững.
Sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc
tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế là những mô hình nông nghiệp tuần hoàn
có tiềm năng phát triển ở nước ta.
Tỉnh
Đồng Nai có gần 280,8 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp (Sở Tài nguyên Môi
trường tỉnh Đồng Nai, 2023). Khí hậu ôn hòa, tài nguyên nước dồi dào, đáp ứng
đủ cho sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, các hoạt động sản xuất nông nghiệp như
trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp đều phát triển mạnh. Do đó, việc ứng dụng các nguyên lý
của kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp là hướng đi phù hợp và cần
thiết trong tương lai. Bởi vì nông nghiệp tuần hoàn là nền nông nghiệp hướng
đến sử dụng mức thấp nhất các nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài, tận dụng tối đa
các chu trình dinh dưỡng, duy trì độ phì nhiêu đất và giảm tác động tiêu cực
đến môi trường (Helgason et al., 2021); và nông nghiệp tuần hoàn nhấn mạnh đến
việc giảm chất thải trong hệ thống
lương thực từ sản
xuất đến tiêu dùng bao gồm: tái sử dụng thức ăn, sử dụng hiệu quả phụ phế phẩm, tái chế
chất dinh dưỡng và thay đổi khẩu phần ăn hướng đến đa dạng và
sử dụng thức ăn hiệu quả hơn (Posthumus, 2019). Trong quá trình hoạt động sản xuất
của các ngành chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp đều phát sinh rất
nhiều phế phụ phẩm. Nếu không có biện pháp xử lý phù hợp thì đây là nguồn gây ô
nhiễm môi trường.
Tỉnh Đồng Nai có nhiều lợi thế thu hút doanh
nghiệp, nông dân đầu tư làm nông nghiệp tuần hoàn theo quy trình sản xuất khép
kín, các phế phẩm nông nghiệp trở thành nguyên liệu đầu vào của quy trình sản
xuất khác, vừa tăng giá trị sản phẩm, vừa hạn chế tối đa lượng chất thải ra môi
trường. Ngày 23/8/2021 Ủy ban Nhân dân tỉnh
đã ban hành quyết định Số: 2867/QĐ-UBND về việc phê duyệt chương trình phát triển nông
nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Định hướng phát triển nông nghiệp bền vững
trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng
suất lao động; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường,
thích ứng biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô
hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại; phát triển vùng
sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn
với thị trường; công nghiệp chế biến sâu và dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng.
Những năm gần đây, tỉnh
Đồng Nai cũng đã thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông
nghiệp nhưng nhìn chung vẫn chưa thực sự đạt ở mức độ cao, vẫn còn nhiều phụ
phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương hay tình trạng lãng phí
các phế, phụ phẩm cây trồng, vật nuôi vẫn còn tồn tại.v.v. Các mô hình kinh tế
tuần hoàn trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua chủ yếu là nông
nghiệp kết hợp, nông nghiệp sinh thái, sản xuất truyền thống,… các mô hình trên
chưa nhiều và chưa phổ biến. Đồng thời, nghiên cứu về mô hình kinh tế tuần hoàn
nói chung, mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai còn
khá ít, và thiếu nhưng nghiên cứu mang tính cơ bản, chiến lược, định hướng giải
pháp như: xây dựng khung phân tích phù hợp về kinh tế tuần hoàn, đánh giá thực
trạng và cơ sở khoa học của phát triển kinh tế tuần hoàn
trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, giải pháp thực hiện các mô hình
tuần hoàn trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.
Trong thời gian tới, các Sở ban ngành chức năng nghiên cứu
khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự
lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và
nhất là giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức
khỏe con người.
Hình: Trang trại sản xuất nông nghiệp tuần hoàn kết hợp giáo dục trải
nghiệm cho học sinh sinh viên của anh Cao Tuấn, tại phường Trảng Dài, Tp. Biên
Hòa
Vương Lan