Thời gian qua,
không ít người dân đã bị lừa đảo bởi bọn tội phạm công nghệ cao thông qua nhiều
thủ đoạn tinh vi. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng đã và đang đẩy
mạnh công tác đấu tranh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần
phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, tránh bị “sập bẫy” của kẻ xấu.
Khoa học công
nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tựu, còn những mặt trái
mà chúng ta không mong muốn là khoa học công nghệ bị lợi dụng sử dụng vào nhiều
hoạt động phạm tội và được thế giới gọi chung là tội phạm sử dụng công nghệ
cao. Đây là loại tội phạm mới, đang có xu hướng phát triển, diễn biến hết sức
phức tạp, đa dạng và khó lường trên quy mô toàn cầu, là mối đe dọa to lớn đối với
sự ổn định, phát triển của các quốc gia và được xác định là một trong những
nguy cơ, thách thức lớn nhất của cộng đồng quốc tế. Tại Việt Nam, thời gian gần
đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn ra trên phạm vi cả nước, với nhiều
hình thức ngày càng tinh vi hơn, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao, gây
hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến người dân bức xúc, lo lắng.
Mới đây, chị Hà
Thị G ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã bị các đối tượng tội phạm
công nghệ cao rút gần 2 tỷ đồng trong tài khoản. Với chiêu lừa đảo gửi tin nhắn giả danh nhà mạng
nội dung: “Thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ có mức phí sử dụng
mỗi tháng từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, nếu muốn hủy dịch vụ thì truy cập
vào đường dẫn http://...”, chị G do mất cảnh giác, lầm tưởng tin nhắn của nhà mạng
thật nên đã truy cập vào đường dẫn trong tin nhắn trên và làm theo yêu cầu, cung cấp thông tin
cá nhân và tài khoản ngân hàng... Cuối cùng, chị đã bị lừa.
Trường hợp như
chị G không phải là ít và thậm chí có rất nhiều người ở các thành phố lớn cũng
đã mắc “chiêu trò” của kẻ xấu. Tại Bình Dương, chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2024,
Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh
đã tiếp nhận 44 tin báo, tố giác tội phạm (chưa kể các tố giác, tin báo do các
đơn vị khác tiếp nhận), gây thiệt hại tài sản của người dân trị giá gần 100 tỷ
đồng.
Tại TP Hồ Chí
Minh, tình hình tội phạm công nghệ cao trong thời gian gần đây có chiều hướng
gia tăng. Trước thực tế trên, đầu năm 2021, Phòng An ninh mạng và phòng, chống
tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an TP Hồ Chí Minh đã được thành lập.
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, đơn vị đã phát hiện, phối hợp xử lý hàng trăm vụ
vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, dự báo tình
hình tội phạm sẽ có diễn biến phức tạp, trong đó có nhóm tội phạm công nghệ
cao. Do đó, các lực lượng chức năng đã tập trung trấn áp tội phạm.
Tại tỉnh Đồng Nai cũng được Bộ trưởng Bộ Công an ký
quyết định về việc thành lập Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng
công nghệ cao. Phòng
An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai có nhiệm
vụ quản lý nhà nước về an ninh mạng, chủ động, kịp thời phòng ngừa, phát hiện,
ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm mạng, tội phạm
sử dụng công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền
và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Trong
6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp nhận, xử lý 125 vụ lừa đảo chiếm
đoạt tài sản; trong đó tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản
xảy ra 76 vụ (chiếm tỷ lệ 60,8% tổng số vụ lừa đảo), số tiền bị chiếm đoạt trên
325,4 tỷ đồng; đã điều tra, làm rõ 4 vụ, 14 đối tượng (đạt tỷ lệ 5,06%).
Trong
thời gian tới Công an tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa
công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm
lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong đó tập trung một số nội
dung công tác trọng tâm như áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tập
trung xác minh, điều tra làm rõ, truy tìm, bắt giữ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt
tài sản qua mạng và thu hồi tối đa tài sản cho người dân. Đinh Hữu Thịnh