Luật
Dữ liệu gồm có 06 chương, 46 điều, quy định những nội dung cơ bản về dữ liệu số;
việc xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; Trung
tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ
liệu số; quản lý về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số...
1. Các hành vi bị nghiêm cấm
Lợi dụng việc xử lý dữ liệu, quản
trị dữ liệu, phát triển, kinh doanh, lưu hành sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu để
xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn
xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá
nhân.
Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp
luật quá trình xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu hoặc tấn công, chiếm đoạt, phá
hoại cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ quản lý, xử lý, quản trị, bảo vệ
dữ liệu.
Giả mạo, cố ý làm sai lệch, làm mất,
làm hư hỏng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Cố ý cung cấp dữ liệu sai lệch hoặc
không cung cấp dữ liệu theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc xây dựng, phát triển,
bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu
Tuân thủ quy định của Hiến pháp,
quy định của Luật Dữ liệu 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo
đảm quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cơ
quan, tổ chức, cá nhân.
Bảo đảm công khai, minh bạch,
bình đẳng trong tiếp cận, khai thác và sử dụng dữ liệu theo quy định của pháp
luật.
Thu thập, cập nhật, điều chỉnh dữ
liệu chính xác, có tính kế thừa; bảo đảm tính toàn vẹn, tin cậy, an ninh, an
toàn.
Bảo vệ dữ liệu được thực hiện đồng
bộ, chặt chẽ với xây dựng, phát triển dữ liệu.
Lưu trữ, kết nối, điều phối, chia
sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu bảo đảm hiệu quả, đơn giản, thuận tiện cho cơ
quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện dịch vụ công, thủ tục hành chính và các hoạt
động khác.
3. Luật quy định về việc cung cấp dữ
liệu cho cơ quan nhà nước
Luật Dữ liệu quy định khuyến khích tổ
chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dữ liệu thuộc quyền sở hữu cho
cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, trong các trường hợp ứng
phó với tình trạng khẩn cấp; khi có nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh nhưng
chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; thảm họa; phòng, chống bạo loạn, khủng
bố thì tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu
của cơ quan có thẩm quyền mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý.
Đây là quy định cần thiết để quyết
các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý, vận hành, kết nối, khai
thác, sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu; quy định việc tận dụng dữ liệu
của các doanh nghiệp, cá nhân để xử lý kịp thời các trường nêu trên.
Đối với cơ quan nhà nước nhận được dữ
liệu do tổ chức, cá nhân cung cấp có trách nhiệm:
Sử dụng dữ liệu đúng mục đích;
Bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu, bảo
vệ dữ liệu, lợi ích hợp pháp khác của chủ thể dữ liệu, tổ chức, cá nhân cung cấp
dữ liệu theo quy định của pháp luật;
Hủy dữ liệu ngay khi dữ liệu đó
không còn cần thiết cho mục đích đã yêu cầu và thông báo cho chủ thể dữ liệu, tổ
chức, cá nhân đã cung cấp dữ liệu;
Thông báo việc lưu trữ, sử dụng dữ liệu
khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu, trừ trường hợp bảo vệ bí
mật nhà nước, bí mật công tác.
4. Hoạt động khoa học, công nghệ và
đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ
liệu
Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi
mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu
phải phù hợp với chiến lược phát triển dữ liệu quốc gia; phát huy nội lực trong
hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tuân thủ nguyên tắc xây dựng,
phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu theo quy định của Luật
này.
Các nền tảng khoa học và công nghệ
trong xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu bao gồm:
trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chuỗi khối, truyền thông dữ liệu, Internet
vạn vật, dữ liệu lớn và công nghệ hiện đại khác.
Tập trung nguồn lực quốc gia cho hoạt
động phát triển, ứng dụng nền tảng khoa học và công nghệ trong xây dựng, phát
triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia,
bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội.
5.
Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ
tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở trung ương để thúc đẩy
phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia.
Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia được
hình thành từ các nguồn tài chính sau đây gồm: hỗ trợ từ nguồn NSNN, nguồn tài
chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
6. Công khai dữ liệu
Việc công khai dữ liệu phải bảo đảm phản
ánh đúng dữ liệu từ nguồn dữ liệu gốc, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc
khai thác, sử dụng, chia sẻ.
Dữ liệu được công khai, công khai có
điều kiện, không được công khai phải căn cứ vào thông tin được dữ liệu phản ánh
theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
Hình thức công khai dữ liệu, bao gồm:
đăng tải dữ liệu trên cổng dữ liệu, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện
tử, phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác theo quy định của
pháp luật.
Cơ quan nhà nước có trách nhiệm công
bố danh mục dữ liệu mở và tổ chức công khai dữ liệu mở theo quy định tại Điều
này để tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, chia sẻ. Thời điểm công khai dữ liệu
đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Luật Dữ liệu năm 2024 có hiệu lực thi
hành từ ngày 01/7/2025 (đính kèm file).
luat60.pdf
Minh
Quang