* Mục tiêu
chung: tiếp tục xây dựng nền hành
chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng
lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan
điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc
đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030.
* Mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể: cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 tập
trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải
cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính
công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
* Trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới: cải
cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền
hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp
ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách
chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Mặc
dù được tiến hành cách đây hàng chục năm, nhưng cho đến nay không nhiều người
dân, doanh nghiệp, thậm chí cả cán bộ công chức nhà nước hiểu rõ về công cuộc
cải cách hành chính. Có lẽ đây cũng là một lý do khiến cho công cuộc cải cách
hành chính tuy được triển khai từ lâu nhưng còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Một
phần cũng do công tác tuyên truyền còn hạn chế, khiến cho người dân hiểu cải
cách hành chính đơn thuần chỉ là “giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà” và
“chống tham nhũng”. Chương trình CCHC nhà nước đã xác định các mục
tiêu bao gồm:
1. Về cải cách thể chế: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền
hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao chất lượng thể
chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, hội
nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử
dụng đất, khoa học, công nghệ; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và
sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước; tổ chức thi
hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của
cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.
2. Về cải cách thủ tục hành chính: cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục
hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ
giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện
kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành
chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn
chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư
kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng
cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ
tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các
phương tiện khác nhau.
3. Về cải cách tổ chức bộ máy hành
chính: tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm
vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, định rõ việc của cơ quan hành
chính nhà nước; phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền nông thôn, đô thị, hải
đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tăng cường đổi mới, cải tiến
phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà
nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp
theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp
lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp
lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.
4. Về cải cách chế độ công vụ: xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động
và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh
bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu
hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà
nước.
5. Về cải cách tài chính công: đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước
cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và
sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự
sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các
cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới
cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
6. Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính
phủ số: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,
chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành
xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương
thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính
nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu
cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng
cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.
Tạ
Minh Quang