Chính
phủ ban hành Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính
sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng
vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Bổ sung "hệ số chênh lệch bảo lưu
lương" để đảm bảo quyền lợi đối với cán bộ, công chức, viên chức khi nghỉ
việc
Về
xác định tiền lương tháng hiện hưởng để tính chính sách, chế độ, Nghị định
67/2025/NĐ-CP bổ sung "hệ số chênh lệch bảo lưu lương" để đảm bảo
quyền lợi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi nghỉ việc.
Cụ
thể, tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi nghỉ
việc, bao gồm: Mức tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh,
chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao
động; các khoản phụ cấp lương (gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên
vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách
nhiệm theo nghề; phụ cấp công vụ; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị -
xã hội; phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang) và hệ số chênh lệch bảo lưu
lương (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương".
Bên
cạnh đó, Nghị định 67/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung tên Điều 6 như sau:
"Điều 6. Tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao
chất lượng cán bộ, công chức và giải quyết chính sách, chế độ".
Sửa đổi chính sách đối với người nghỉ hưu
trước tuổi
Nghị
định 67/2025/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 và bổ sung Điều 7a, 7b quy định cụ thể chính
sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi trong các trường hợp: do sắp xếp tổ chức
bộ máy; do tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức và chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ không
đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm hoặc đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm.
Cụ thể, theo quy định mới, đối
tượng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định này nghỉ hưu trước tuổi,
được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo thời gian công tác có đóng bảo
hiểm xã hội bắt buộc và số năm nghỉ sớm như sau:
a) Trường hợp có tuổi đời
còn từ đủ 02 năm đến đủ 05 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban
hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng
bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về
bảo hiểm xã hội, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo
hiểm xã hội thì còn được hưởng các chế độ sau:
Không bị trừ tỷ lệ lương
hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
Được trợ cấp 05 tháng tiền
lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định
tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP;
Được trợ cấp 05 tháng tiền
lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ
năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được
trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Trường hợp đủ 15 năm công
tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thuộc đối tượng được hưởng
lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu
trước tuổi thì được trợ cấp 04 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu
công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt
buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
b) Trường hợp có tuổi đời
còn trên 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban
hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã
hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã
hội, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
thì còn được hưởng các chế độ sau:
Không bị trừ tỷ lệ lương
hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
Được trợ cấp 04 tháng tiền
lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định
tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP;
Được trợ cấp 05 tháng tiền
lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ
năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được
trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Trường hợp đủ 15 năm công
tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thuộc đối tượng được hưởng
lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu
trước tuổi thì được trợ cấp 04 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu
công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt
buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
c) Trường hợp có tuổi đời
còn từ đủ 02 năm đến đủ 05 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II
ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có
đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp
luật về bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng
nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh
mục do cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động
ban hành hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã
hội đặc biệt khó khăn do cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà
nước về lao động ban hành bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu
vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy
định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, thì còn được hưởng các chế độ sau:
Không bị trừ tỷ lệ lương
hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
Được trợ cấp 05 tháng tiền
lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định
tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP;
Được trợ cấp 05 tháng tiền
lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ
năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được
trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Trường hợp đủ 15 năm công
tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thuộc đối tượng được hưởng
lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu
trước tuổi thì được trợ cấp 04 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu
công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt
buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Bổ sung Điều 7a. Chính sách đối với người
nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Đối tượng quy định tại
khoản 2 Điều 2 Nghị định này nghỉ hưu trước tuổi, được hưởng các chế độ quy
định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này. Ngoài ra, được hưởng trợ cấp hưu trí một
lần cho thời gian nghỉ sớm:
1. Đối với người nghỉ trong
thời hạn 12 tháng kể từ ngày 15/3/2025 thì được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng
tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm so với thời điểm nghỉ hưu quy
định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số
135/2020/NĐ-CP;
2. Đối với người nghỉ từ
tháng thứ 13 trở đi kể từ ngày 15/3/2025 thì được hưởng bằng 0,5 mức trợ cấp
tại khoản 1 Điều này.
Bổ sung Điều 7b. Chính sách nghỉ hưu trước
tuổi đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm hoặc đủ điều kiện về
tuổi tái cử, tái bổ nhiệm
Đối tượng quy định tại
khoản 4 Điều 2 Nghị định này nghỉ hưu trước tuổi, được hưởng các chế độ quy
định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này. Ngoài ra, được hưởng trợ cấp hưu trí một
lần cho thời gian nghỉ sớm bằng 01 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số
tháng nghỉ sớm so với thời điểm nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II
ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP.
Sửa đổi, bổ sung nguồn kinh phí thực hiện chế
độ
Nghị
định 67/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 16 về nguồn kinh phí để
thực hiện chế độ đối với viên chức và người lao động trong đơn vị sự nghiệp
công lập.
Cụ thể, đối với đơn vị sự
nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp
công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: Kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ
nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn thu hợp pháp khác.
Trường
hợp các đơn vị sự nghiệp công lập không đủ nguồn kinh phí để giải quyết chính
sách, chế độ thì được sử dụng các quỹ được trích theo quy định của đơn vị sự
nghiệp công lập để giải quyết chính sách, chế độ.
Trường
hợp các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên do Nhà nước đặt
hàng thông qua giá dịch vụ nhưng giá dịch vụ chưa tính đủ các yếu tố cấu thành
để giải quyết chính sách, chế độ thì nguồn kinh phí giải quyết chính sách, chế
độ do ngân sách nhà nước cấp bổ sung.
Bên
cạnh đó, Nghị định 67/2025/NĐ-CP cũng bổ sung khoản 5, khoản 6 Điều 16 như sau:
Đối với người làm việc
trong chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các hội do Đảng,
Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện chịu tác động trực
tiếp của việc thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy: Kinh phí
giải quyết chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp.
Đối với các tổ chức hành
chính kết thúc việc thực hiện cơ chế tài chính đặc thù như đơn vị sự nghiệp
công lập từ ngày 01/1/2025 thì nguồn kinh phí giải quyết chính sách, chế độ do
ngân sách nhà nước cấp.
Bỏ quy định về chính sách hỗ trợ thêm của địa
phương
Nghị định 67/2025/NĐ-CP bỏ
khoản 6 Điều 19 quy định UBND tỉnh, thành phố căn cứ khả năng cân đối ngân sách
địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ thêm
đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Đồng thời, Nghị định
67/2025/NĐ-CP cũng quy định: Các trường hợp đã được cấp có thẩm quyền giải
quyết chính sách hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định tại
khoản 6 Điều 19 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP trước ngày 15/3/2025 thì vẫn được
hưởng chính sách hỗ trợ thêm này.
Điều khoản chuyển tiếp
Nghị định 67/2025/NĐ-CP nêu
rõ: Các trường hợp đang thực hiện giải quyết chính sách, chế độ do sắp xếp tổ
chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Nghị định số
29/2023/NĐ-CP nhưng cấp có thẩm quyền chưa ban hành quyết định giải quyết chính
sách, chế độ thì được áp dụng chính sách, chế độ quy định tại Nghị định
này.
Các trường hợp đang thực
hiện giải quyết chính sách, chế độ do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp
xã, đã được cấp có thẩm quyền giải quyết chính sách, chế độ theo Nghị định số
29/2023/NĐ-CP nhưng thời điểm nghỉ việc sau ngày 1/1/2025 thì được áp dụng
chính sách, chế độ quy định tại Nghị định này.
Các trường hợp quy định tại
khoản 4 Điều 2 Nghị định này đã được cấp có thẩm quyền giải quyết chính sách,
chế độ theo Nghị định số 177/2024/NĐ-CP, nếu chính sách, chế độ thấp hơn so với
chính sách, chế độ quy định tại Nghị định này thì áp dụng chính sách, chế độ
quy định tại Nghị định này.
Các trường hợp đã được cấp
có thẩm quyền giải quyết chính sách, chế độ theo quy định tại Nghị định số
178/2024/NĐ-CP, nếu chính sách, chế độ thấp hơn so với chính sách, chế độ quy
định tại Nghị định này thì được cấp bổ sung theo chính sách, chế độ quy định
tại Nghị định này.
Các trường hợp do sắp xếp
tổ chức bộ máy hoặc thay đổi tổ chức hoặc thay đổi biểu tổ chức, biên chế đã
được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu trước hạn tuổi trước ngày 1/1/2025
theo quy định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Sĩ quan quân đội nhân dân
Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và
Luật Cơ yếu, nhưng đến ngày 1/1/2025 cấp có thẩm quyền chưa ban hành quyết định
giải quyết chính sách, chế độ thì được áp dụng chính sách, chế độ quy định tại
Nghị định này.
Nghị định 67/2025/NĐ-CP có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (15/3/2025)
67_2025_ND-CP_15032025-signed.pdf.
Nguyễn Ánh Tuyết